Từ năm 2013, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 63/63 tỉnh thành. Đến nay, mô hình đã cho ra đời hàng ngàn CLB tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân với hàng trăm ngàn thanh niên thành viên, đã chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho hàng triệu lượt người.
Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” đáp ứng cơ bản nhu cầu cần thiết được thông tin tư vấn về chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho vị thành niên thanh niên và kiểm tra sức khỏe phát hiện tư vấn về phòng tránh và điều trị cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn những nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật, nâng cao chất lượng giống nòi của người Việt Nam.
Nhiều địa phương, mô hình này phát huy hiệu quả đã phát huy hiệu quả, có vai trò quan trọng trong công tác địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tiêu biểu như tại Thanh Hóa, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại 46 xã/8 huyện. Triển khai các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, các địa phương cũng tập trung phối hợp với trạm y tế các xã, phường thực hiện việc khám sức khỏe miễn phí trước khi kết hôn cho các cặp đôi…
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên thực tế nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn, do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám… Do đó, các cấp, ngành cũng cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục tới đối tượng vị thành niên bởi hiểu được việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân mang lại lợi ích hiệu quả như thế nào thì các em mới có thể vượt qua các rào cản tâm lý mà tìm đến các cơ sở chuyên môn để được chăm sóc SKSS một cách tốt nhất.
Tư vấn, khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa: T.Hằng
Còn tại Cà Mau, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đã triển khai cho 9 huyện, thành phố với 36 xã, phường thực hiện. Mô hình thực hiện truyền thông trên hệ thống phát thanh truyền hình, tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tư vấn… Mô hình đã mang lại nhiều kết quả thực hiện tăng thêm tỉ lệ nam nữ được tư vấn, giúp thay đổi cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ về khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đồng thời, mô hình cũng góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.
Các năm gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang luôn duy trì hoạt động mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” nhằm cung cấp kiến thức về CSSKSS, tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Mô hình đã thực sự trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn….
Thông qua những buổi tư vấn, các hoạt động sinh hoạt thiết thực, thời gian qua mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân” tại An Giang đã mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS cho vị thành niên và thanh niên, đồng thời, giúp các em tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Discussion about this post